ipaam Không có bình luận

TRÁI PHIẾU LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Trái phiếu là một loại chứng khoán huy động vốn trong đó quy định nhà phát hành (đi vay) phải trả cho cho nhà đầu tư (cho vay) một khoản tiền với một lãi suất cố định trong một thời gian xác định. Nhà phát hành trái phiếu phải hoàn trả khoản cho vay cho nhà đầu tư khi nó đáo hạn.

Đặc điểm của trái phiếu

Nguồn thu nhập của trái phiếu chính là tiền lãi. Đây là khoản thu cố định mà không dựa vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành trái phiếu.

Trái phiếu được cho là chứng khoán nợ. Vì vậy khi đơn vị phát hành trái phiếu có thể bị giải thể hoặc phá sản thì phải có nghĩa vụ thanh toán cho những nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các cổ đông trong công ty.

Người sở hữu trái phiếu sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về việc sử dụng vốn vay như thế nào của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ theo hợp đồng vay.

Các loại trái phiếu phổ biến

Hiện nay, trái phiếu thường được phân loại dựa trên nhiều đặc điểm khác nhau, phổ biến là cách phân loại theo chủ thể phát hành, bao gồm:

  • Trái phiếu ngân hàng: Các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm tăng thêm vốn để hoạt động.
  • Trái phiếu chính phủ: Chính phủ phát hành trái phiếu để đáp ứng được nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra còn có mục đích để huy động số tiền nhàn rỗi của dân, tổ chức kinh tế – xã hội. Trái phiếu của Chính phủ được xem là có uy tín và ít rủi ro nhất trên thị trường.
  • Trái phiếu doanh nghiệp: Đây là các trái phiếu được các doanh nghiệp, công ty phát hành ra để tăng vốn hoạt động cho doanh nghiệp. Trái phiếu của doanh nghiệp có rất nhiều loại và vô cùng đa dạng

So với đầu tư cổ phiếu, đầu tư trái phiếu có nhiều điểm khác biệt căn bản bao gồm: (1) Lợi suất và thời gian đầu tư được quy ước cố định từ đầu, không phụ thuộc vào lợi nhuận hằng năm của Doanh nghiệp; (2) Biến động giá thường thấp hơn nhiều so với cổ phiếu; (3) Trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu trong tất cả các trường hợp.

Mặc dù cách thức vận hành không quá phức tạp, tuy nhiên không vì thế mà lựa chọn Trái phiếu để đầu tư là câu chuyện dễ dàng. Đối với quy trình đánh giá Trái phiếu, mấu chốt quan trọng vẫn là xác định được uy tín, sức khỏe tài chính và dòng tiền trả nợ của Tổ chức phát hành. Đồng thời, Tài sản đảm bảo cũng là một trong những yếu tố giảm thiểu rủi ro mất vốn cho Trái chủ, cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng. Tựu chung, các điều kiện cần dưới đây có thể là các tiêu chí phù hợp khi xem xét đầu tư vào sản phẩm này:

  • Nên lựa chọn đầu tư trái phiếu của những doanh nghiệp hình thành lâu đời và có thông tin minh bạch.
  • Nhà phát hành trái phiếu uy tín nên lựa chọn phải là đơn vị có năng lực tài chính vững chắc, dòng tiền ổn định và tỷ lệ nợ nằm trong mức an toàn.
  • Ưu tiên nhà phát hành trái phiếu có ban lãnh đạo có uy tin cũng như kinh nghiệm lâu năm.

Lựa chọn đơn vị có lịch sử hoạt động kinh doanh ổn định và có tiềm năng phát triển trong tương lai.

ipaam Không có bình luận

Cổ phiếu là gì? Các khái niệm cơ bản về thị trường chứng khoán.

Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính và nhu cầu đầu tư của toàn xã hội., khái niệm “chứng khoán – cổ phiếu” ngày càng quen thuộc hơn với số đông và được nhiều người biết đến nhờ khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, đối với những người mới bắt đầu, khái niệm cổ phiếu là gì và làm thế nào để đầu tư hiệu quả không dễ dàng để cắt nghĩa gãy gọn. IPAAM sẽ chỉ ra những khái niệm cơ bản nhất trong bài viết sau đây.

Cổ phiếu là gì?

Đầu tiên bạn cần hiểu rõ cổ phiếu là gì trước khi bắt đầu để quá trình đầu tư thuận lợi hơn. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 121 của bộ Luật Doanh nghiệp: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.

Có thể hiểu đơn giản, “Cổ phiếu” là Giấy Chứng nhận Khoản Đầu tư và Quyền Sở hữu với một phần vốn của doanh nghiệp. Khi đó nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu sẽ được gọi là cổ đông, sở hữu tỷ lệ lợi ích nhất định từ doanh nghiệp phát hành.

Ví dụ đơn giản Nhà đầu tư đang sở hữu 1.000 cổ phiếu với giá trị tại thời điểm phát hành là 20.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá trị cổ phiếu sẽ là: 1.000 x20.000 = 20.000.000 đồng.

Sau đó nếu công ty phát hành hoạt động tốt và có lợi nhuận cao, khả năng mệnh giá cổ phiếu sẽ tăng lên 25.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó giá trị bạn sở hữu sẽ là 1.000 x 25.000 = 25.000.000 đồng.

Những khái niệm cần biết

Để có thể tối ưu hóa lợi nhuận và đầu tư hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau đây trước khi tiến hành lựa chọn mua cổ phiếu.

Mệnh giá và Thị giá cổ phiếu

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 13 của bộ Luật Chứng khoán 2019 đã quy định mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ khi phát hành và chào bán sẽ là 10.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi giao dịch thứ cấp trên sàn chứng khoán, thì giá cổ phiếu sẽ biến động theo cung cầu, thường phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp phát hành, được gọi là Thị giá cổ phiếu. Biến động của Thị giá cổ phiếu thường tạo ra sự hấp dẫn cho những nhà đầu cơ ngắn hạn với mong muốn hưởng chênh lệch giá trong thời gian ngắn.

Nơi mua bán cổ phiếu

Việc mua bán cổ phiếu sẽ được thực hiện hầu hết trên các sàn giao dịch được thành lập hợp pháp. Điều kiện là nhà đầu tư phải sở hữu cho mình tài khoản tại công ty chứng khoán đó. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau theo nguyên tắc mỗi 1 công ty chỉ mở 1 tài khoản giao dịch.

Ưu điểm và nhược điểm của đầu tư cổ phiếu là gì?

Ưu điểm

Mức lợi nhuận hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu, đi cùng với tăng trưởng dài hạn của lợi nhuận các doanh nghiệp ưu tú trên sàn chứng khoán.

Không cần vốn lớn. Khác với bất động sản, hay mua vàng, bạn có thể bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu với bất kỳ số tiền nào bạn muốn.

Dễ dàng mua bán, tính thanh khoản cao, thuận tiện giao dịch. Nếu bạn cần tiền, bạn có thể bán cổ phiếu. Sau 2 ngày làm việc (T+2), bạn sẽ nhận được tiền vào tài khoản. Đến ngày T+3, bạn có thể sử dụng nguồn tiền này.

Nhược điểm

Nhà đầu tư hưởng lợi từ việc tăng giá cổ phiếu và nhận cổ tức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại. nếu công ty phá sản, công ty sẽ ưu tiên trả nợ cho ngân hàng, người sở hữu trái phiếu, rồi mới đến hoàn lại vốn cho người nắm giữ cổ phiếu.

Thị trường thường xuyên biến động do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố về kinh tế và chính trị. Nhà đầu tư cá nhân thường dễ bị chi phối bởi yếu tố tâm lý đám đông khi thị trường biến động từ đó kết quả không đạt được như kỳ vọng.

Đầu tư chứng khoán dài hạn đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu và theo dõi thị trường.

ipaam Không có bình luận

CÁC SỐ LIỆU CẦN QUAN TÂM KHI ĐẦU TƯ QUỸ ETF

Đầu tư ETF là hình thức đầu tư thụ động không cần quan tâm quá nhiều yếu tố chuyên sâu về doanh nghiệp, thị trường. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hình thức này cũng đòi hỏi nhà đầu tư cần hiểu một vài chỉ số quan trọng để có thể nắm bắt trọn vẹn bức tranh về một chứng chỉ quỹ ETF đang quan tâm.

iNAV– Giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ

Giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một đơn vị quỹ ETF (iNAV giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ ETF được xác định trong phiên giao dịch, được cập nhật 15 giây/lần tại https://dautu.vndirect.com.vn/quy-etf-ipaam-vn100/ .  Giá trị này được tính dựa trên giá trị thị trường thực tế trong phiên giao dịch của các khoản đầu tư trong 01 lô chứng chỉ quỹ.

TE – Tracking Error – Mức sai lệch với chỉ số tham chiếu

Trong quá trình hoạt động, giá trị tài sản ròng của Quỹ ETF có thể sẽ sai lệch so với chỉ số tham chiếu bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do Quỹ ETF phải trả các chi phí hoạt động, cổ tức cho các nhà đầu tư. Tracking Error (TE)là chỉ số quan trọng để đo lường mức độ sai lệch này, là một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá hiệu quả vận hành quỹ. TE càng thấp càng chứng tỏ quỹ vận hành hiệu quả, theo sát diễn biến của chỉ số tham chiếu. HOSE cũng có quy định chặt chẽ trong việc đảm bảo các quỹ ETF trên thị trường duy trì mức biến động thấp so với chỉ số tham chiếu. Cụ thể, Đối với Quỹ ETF niêm yết tại SGDCK TP.HCM, mức sai lệch tối đa giữa giá trị tài sản ròng so với chỉ số tham chiếu của quỹ ETF (tracking error) là 10%.

 Nhà đầu tư có thể theo dõi Tracking Error của FUEIP100 tại https://ipaam.com.vn/vi/quy-etf/quy-etf-ipaam-vn100/cbtt-dinh-ky-quy-etf-ipaam-vn100/#1631783179546-656745dd-64b9

Giá thị trường của ETF

Giá thị trường của ETF là giá mà nhà đầu tư có thể tự do Mua/Bán trên sàn giao dịch chứng khoán trong phiên như một cổ phiếu niêm yết. Giá thị trường biến động theo yếu tố cung cầu của thị trường, do vậy có thể lệch khỏi iNAV của ETF trong nhiều thời điểm.

Chứng chỉ quỹ IPAAM ETF VN100 được niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán FUEIP100. Nhà đầu tư có thể theo dõi biến động giá thị trường của tất cả các ETF đang niêm yết trên HOSE tại tiểu mục ETF trong bảng giá của VNDirect.

Premium và Discount

Premium và Discount đối với chứng chỉ quỹ ETF xảy ra khi giá thị trường của ETF trên sàn giao dịch tăng lên trên hoặc giảm xuống dưới iNAV của nó. Nguyên do là vì giá trị thị trường của ETF thì phụ thuộc vào cung cầu giao dịch của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, nhiều thời điểm không trùng khớp với giá trị danh mục đầu tư. Nếu giá thị trường cao hơn NAV, ETF được cho là đang giao dịch ở mức premium. Nếu giá thấp hơn, nó đang giao dịch ở mức “discount”.

Nhà đầu tư có thể theo dõi chỉ số này tại https://dautu.vndirect.com.vn/quy-etf-ipaam-vn100/

ipaam Không có bình luận

ETF là gì? Tại sao nên đầu tư ETF?

Quỹ ETF là gì?

Quỹ hoán đổi danh mục (ETF, Exchange Traded Fund) là quỹ hoạt động mô phỏng theo sự biến động của một chỉ số tham chiếu như chỉ số chứng khoán, hàng hoá hoặc một loại tài sản nào đó. Ở các thị trường tài chính trên toàn cầu, quỹ ETF đang là một trong những kênh đầu tư hút vốn và hấp dẫn nhất. Thậm chí tháng 10 vừa rồi quỹ Bitcoin ETF đầu tiên của Mỹ được ProShares đưa vào giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Tuy nhiên ở Việt Nam, quỹ ETF mới chỉ thật sự thu hút được nhà đầu tư cá nhân trong thời gian gần đây và chủ yếu mô phỏng chỉ số chứng khoán.

Tại sao nên đầu tư mô phỏng chỉ số chứng khoán?

Chỉ số chứng khoán là gì?

Chỉ số chứng khoán là chỉ số thể hiện giá trị của một nhóm cổ phiếu cụ thể trên thị trường. Ví dụ: 30 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường được gọi là chỉ số VN30, hay chỉ số VN100 đại diện cho 100 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn, chiếm 89% vốn hóa thị trường và phản ánh rõ ràng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự tăng trưởng dài hạn và nổi bật của chỉ số chứng khoán

Kể từ năm 2020 trở lại khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thăng hoa và thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia với xu hướng đầu cơ, mong muốn các khoản lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Họ bắt đầu lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh và suy giảm khi lãi suất huy động tăng và dòng tiền quay trở lại sản xuất.

Nếu bỏ qua các biến động ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức lợi suất vô cùng hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Chỉ số VNINDEX đem tới lợi nhuận 2 con số cho các nhà đầu tư dài hạn.

Tăng trưởng của chỉ số chứng khoán
Hiệu quả sinh lời vượt trội của thị trường chứng khoán

Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều động lực tăng trưởng. Điểm tựa chính của tăng trưởng đến từ ổn định chính trị, cơ cấu dân số trẻ với lực lượng lao động đông đảo ngày càng hoàn thiện tay nghề, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới nâng hạng thị trường cũng như tỉ lệ tài khoản chứng khoán trên dân số còn thấp.

Các chỉ số chứng khoán được mô phỏng trên thị trường Việt Nam

Quỹ ETF ở thị trường Việt Nam mới chỉ tập trung mô phỏng chỉ số VN30. VN30 gồm 30 doanh nghiệp chiếm khoảng 78% vốn hóa thị trường. Chính vì thế VN30 có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường khi chúng biến động. Hiện các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 được nhiều nhà đầu tư quan tâm là: VFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, chỉ số VN30 đang bộc lộ những hạn chế rõ rệt, khi tỷ trọng nhóm ngân hàng trong rổ chiếm gần 50% và tương lai tỷ trọng có thể lên tới 60 – 70%, tính đại diện cho nền kinh tế thấp.

Chỉ số VN100

Chỉ số VN100 gồm 30 cổ phiếu thuộc VN30 và 70 cổ phiếu thuộc VN MIDCAP do HOSE xây dựng và vận hành.

Cơ cấu danh mục vốn hóa chỉ số VN100
Cơ cấu vốn hóa chỉ số VN100

Chỉ số VN100 chiếm 89% vốn hóa thị trường với đa dạng các nhóm ngành: ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản,… Chỉ số VN100 có tới 70 doanh nghiệp Midcap hàng đầu trong các lĩnh vực được hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển dài hạn. Trong năm 5 gần nhất, nếu mỗi tháng nhà đầu tư mua 10 triệu đồng/ tháng vào VN100 thì sẽ đem lại NAV lên tới 1,16 tỷ đồng, tức hiệu suất lên tới 68%.

Tích lũy vào chỉ số VN100
Hiệu suất đầu tư tích lũy vào chỉ số VN100

Tuy nhiên hiện tại trên thị trường không có nhiều quỹ mô phỏng chỉ số VN100, hãy tìm hiểu ngay quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN100 của VNDIRECT ngay tại đây.

Tổng kết

Như vậy có thể thấy thị trường chứng khoán luôn tăng trưởng dài hạn và đem tới mức lợi suất bền vững, đặc biệt là chỉ số VN100. Đầu tư quỹ ETF chính là một kênh đầu tư mô phỏng chỉ số dễ dàng và chính xác nhất. Nhà đầu tư hãy phân bổ tài sản vào ETF để có một danh mục đa dạng và tăng trưởng dài hạn.